• 28/06 cập nhật đăng ký đăng nhập qua Google & Facebook

6 bài học tôi học được sau 6 năm học đại học

TenHoshi

Administrator
Staff member
Trusted Uploader
Học đại học có đáng giá với khoản đầu tư về thời gian và tiền bạc của bạn không? Và thứ bạn học được ở trường đại học là gì?

Khi đề cập đến việc học, tôi thích học bằng trải nghiệm. Thế nên, từ quan điểm này, học đại học không cần thiết đối với tôi. Nhưng tôi đã học, tận 6 năm liền.

Đa phần bạn bè và bạn đồng trang lứa giống tôi đều không bao giờ học đại học. Họ chỉ đi làm. Nhưng điều này cũng đủ kỳ lạ, tôi không chỉ đến trường học mà còn cảm thấy yêu nó.

Tôi dành 4 năm liền học điên cuồng để nhận được tấm bằng cử nhân kinh doanh và 2 năm sau đó, tôi học lên cao học chuyên ngành Marketing nhưng ở một trường khác.

Mọi người thường hỏi tôi:

‘Tôi có nên học đại học không?’

‘Tôi có nên bỏ học không?’

‘Con của tôi có nên học đại học không?’

‘Tôi có cần một tấm bằng để đi xin việc không?’

Tôi không nghĩ là ở vị trí của mình có thể trả lời được tất cả những câu hỏi này. Chúng tùy thuộc vào việc bạn muốn làm gì với cuộc đời của bạn.

Thứ duy nhất tôi có thể làm là chia sẻ với bạn về những điều mà tôi đã học được trong 6 năm đó ở trường đại học. Bởi vì, có một vài thứ vô cùng giá trị mà tôi nghĩ rằng tôi có thể sẽ không bao giờ biết nếu không ngồi trên giảng đường – 6 bài học lớn nhất trong quãng thời gian học tập của tôi.

1. Học tập rất thú vị


Đa phần các giáo sư đã dạy tôi đều khá nhàm chán và điều này kéo theo quá trình học cũng không có gì cuốn hút cả.


Tuy nhiên, điều may mắn là tôi cũng được gặp một số giáo viên rất nhiệt tình và họ đã giúp tôi nhận ra một bài học quan trọng đó là: Học tập không nhàm chán, con người mới nhàm chán.

Trường học sẽ không nhàm chán nếu như các giáo viên đủ đam mê với những gì mà họ dạy và biết cách thể hiện đam mê của họ ra bên ngoài để khiến học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi chính niềm đam mê mãnh liệt đó.

Vậy tại sao lại không làm cho học sinh cảm thấy nhiều điều thú vị hơn nữa? Nếu như họ vẫn chỉ là những người đưa ra các quy tắc thì làm sao người học có thể cảm thấy hứng thú với việc học? Nếu như vẫn chỉ hướng sự chú ý vào các giáo viên thì làm sao bạn có thể hiểu được rằng học tập thú vị đến mức nào?

Hãy học tập chủ động và chính bạn sẽ thấy việc học không hề nhàm chán như bạn nghĩ.

2. Càng học, bạn càng biết ít


Trong thời gian học đại học, phần lớn, tôi được học kiến thức từ các giáo sư, sách vở và bạn bè. Bên cạnh đó, vì là một sinh viên ngành kinh doanh nên tôi cũng thường phải làm việc theo nhóm và hoàn thành các bài Assignment. Chính điều này đã tạo cho tôi cơ hội được học rất nhiều thứ hữu ích.

Tuy nhiên, điều thú vị hơn ở chỗ, mỗi lần phải làm các nhiệm vụ như vậy, tôi nhận thấy có quá nhiều thứ xung quanh mà tôi biết rất ít câu trả lời.

Hãy đánh giá một người qua những câu hỏi của anh ta chứ không phải là những câu trả lời – Voltaire.


Đó chính là vẻ đẹp của giáo dục. Những kẻ ngốc nghĩ rằng họ biết mọi thứ. Nhưng càng học nhiều thì càng có ít những thứ mà bạn biết.

Một vài người cũng học đại học và họ càng trở thành những người ngu dốt. Đơn giản, bởi vì họ quá coi trọng tấm bằng và cho rằng tờ giấy đó có thể khiến họ trở thành những con người vĩ đại. Thực chất, ngoài thứ đó ra, họ chẳng biết gì cả.

Tuy nhiên, học đại học không thực sự liên quan tới việc trở nên thông minh. Tất cả chúng ta đều có cùng một xuất phát điểm: Chúng ta chẳng hề biết gì.

3. Tư duy cũng là một kỹ năng


Tôi nói rằng tôi đã quên khoảng 95% những thứ mà tôi đã học được. Nhưng tôi không quan tâm tới điều đó.

Tôi không hiểu tại sao mọi người PHẢI học thứ gì đó mà họ thích. Nếu bạn nghĩ rằng bạn chỉ nên học những môn mà bạn thấy hứng thú thì bạn hoàn toàn đã bỏ lỡ những thứ tuyệt vời nhất ở trường đại học.

Thứ giá trị nhất mà bạn sẽ học được ở trường đại học đó là khả năng tư duy.

Miễn là bạn học thứ gì đó, bạn sẽ ‘buộc’ bộ não của bạn phải tư duy, suy nghĩ và đó là điều vô giá.

5% mọi người nghĩ, 10% mọi người nghĩ rằng họ nghĩ và 85% họ thà chết còn hơn nghĩ – Thomas Edison.

Chúng ta sống trong một thế giới mà ai cũng khao khát sự thông tuệ. Làm thế nào để bạn đạt được điều đó? Không có gì hơn chính là hãy luyện tập bộ não của mình. Hãy học cách tư duy và rồi một ngày bạn sẽ trở nên giàu có hơn bao giờ hết.

4. Đạt được thứ gì đó vô cùng khó


Học đại học không hề dễ dàng như bạn tưởng. Những người nói rằng học đại học với họ quá tầm thường và chẳng có gì khó khăn thì họ cũng tầm thường không kém.

Chỉ với 4 năm, để có thể tham gia tất cả các lớp học và học hoàn toàn là điều không phải ai cũng làm được. Thêm nữa, thường các giáo viên cũng sẽ gây khó dễ cho bạn và đúng là, họ nên làm thế.


Học đại học, bạn sẽ nhận ra rằng để đạt được điều gì đó là vô cùng khó. Bạn sẽ phải đổ mồ hôi và nước mắt giống như các chiến sĩ phải đổ máu trên chiến trường để đánh thắng kẻ thù. Không có gì gọi là dễ dàng nếu như bạn nỗ lực thật sự và muốn đạt được điều gì đó thật sự.

Thế nhưng, bạn biết không? Một khi bạn đã đạt được thứ mà bạn muốn thì bạn sẽ thấy rất tự hào về mình đấy.

5. Thử nghiệm không bao giờ lãng phí thời gian hay tiền bạc


Mọi người thường than vãn rằng họ đã chọn sai trường, sai nghành. Hoặc đôi khi bạn cảm thấy như mình đã lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức vào ngành học mà bạn không muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, còn cách nào khác mà bạn nghĩ rằng sẽ giúp bạn hiểu về bản thân mình? Mọi thứ bạn làm trong cuộc đời đều là những cuộc thử nghiệm.

Nếu thứ gì đó không phù hợp, hãy thử một cái khác. Có lẽ, bạn sẽ đổi chuyên ngành, chuyển lớp hoặc học sang một lĩnh vực khác. Không quan trọng! Miễn là bạn không tử bỏ thì tất cả đều được.

Cả cuộc đời là một cuộc thử nghiệm. Bạn càng thử nghiệm nhiều thì bạn càng tốt lên – Ralph Waldo Emerson.

6. Có nhiều người rất khác bạn


Khi bạn lớn lên ở một nơi nào đó, bạn nghĩ rằng cuộc sống chỉ có vậy. Bạn gặp cùng những người bạn vẫn gặp, biết cùng những suy nghĩ, quan điểm, nền văn hóa đó… Thế nhưng, cuộc sống không chỉ dừng lại như vậy. Đó mới chỉ là một thế giới hạn hẹp mà thôi vì khi bạn đi đến một nơi khác, gặp nhiều người hơn, bạn sẽ thấy họ rất khác bạn.

Đại học là nơi để bạn nhận ra điều đó. Bước vào đại học nghĩa là bạn sẽ làm quen với nhiều bạn mới, thầy cô mới đến từ nhiều vùng miền, thậm chí là nhiều quốc gia khác nhau. Họ sống trong những môi trường khác biệt, với nền văn hóa, phong tục, tập quán đặc trưng của họ và chính điều này sẽ giúp bạn làm quen với nhiều tư tưởng và luồng suy nghĩ mới.

Hãy tưởng tưởng học đại học cũng giống như việc bạn đang bắt đầu hành trình bước vào một thế giới khác vậy – một cuộc sống hoàn toàn khác với những gì mà bạn từng nghĩ ở trường trung học.

6 năm đại học, tôi đã gặp gỡ và làm việc với rất nhiều người đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nam Phi, Trung Quốc, Hàn Quốc, Rumani, Đức, Mỹ, Canada, Brazil, Ấn Độ… Tôi cũng đã cái nhìn tốt đẹp hơn về thế giới này, về những người xung quanh tôi và quan trọng hơn, tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đều giống nhau – nhưng, cũng thật khác biệt.

Đó không chỉ là vẻ đẹp của trường đại học, mà đó còn là vẻ đẹp của cuộc đời.

Thế nên, nếu bạn có cơ hội, hãy học đại học. Nếu không, hãy thử học bằng một cách khác.

Như tôi đã nói, tôi không biết nhiều nhưng có một thứ tôi luôn tự tin: giáo dục không bao giờ kết thúc. Thế nên cho dù bạn có học đại học hay không thì cũng đừng bao giờ ngừng học hỏi.

Cập nhật: 22/07/2016 Vân Anh – Theo Medium
 

Guest Post 2022

Top