Dùng smartphone nhưng hầu như người dùng hiện nay không thực sự hiểu rõ công nghệ pin của nó. Chính vì thế những giải đáp dưới đây sẽ phần nào giúp bạn có thêm thông tin về pin smartphone cũng như sạc và dùng thế nào cho hiệu quả.
Trong lần đầu tiên sử dụng smartphone, cần dùng cạn pin sau đó cắm sạc liên tục trong 8 giờ cho đầy?
Câu trả lời là không cần. Loại pin trước đó, Nickel Cadmium, đã gây hiểu nhầm về việc duy trì tuổi thọ pin là dựa trên việc sạc và xả như thế nào. Trước đây, các sản phẩm điện tử được khuyên nên sạc đầy và giữ sạc được cắm trong nhiều giờ trước khi sử dụng.
Tuy nhiên, pin Lithium-ion hiện đại tốt hơn và không bị ảnh hưởng bởi cơ chế này (hiệu ứng nhớ). Do đó, bạn không cần hiệu chỉnh điện thoại của mình bằng cách xả hết pin rồi mới sạc lại. Apple và các nhà sản xuất cũng không còn gợi ý cho người dùng làm như vậy.
Nhiệt độ như thế nào sẽ tốt nhất cho pin smartphone?
Nhiệt độ lý tưởng là 16 đến 22 độ C. Pin Lithium-ion tạo nhiệt và nóng lên khi sạc, bởi vậy thời tiết lạnh cũng có thể tác động tiêu cực đến pin. Pin thường hết nhanh hơn so với bình thường ở nhiệt độ thấp hoặc tạm mất khả năng hoạt động. Trong khi đó, nhiệt độ cao là ‘kẻ thù’ số một với pin smartphone.
Điện thoại thông minh của bạn sẽ an toàn nếu được giữ trong khoảng nhiệt độ mà nhà sản xuất khuyến cáo. Apple cho biết 0 độ C là mức nhiệt thấp nhất cho iPhone, trong khi Samsung đảm bảo thiết bị của họ có thể hoạt động ở trong khoảng -20 đến 50 độ C. Như vậy, nhiệt độ phòng (16 đến 22 độ C) sẽ là điều kiện tốt nhất cho đa số smartphone.
Sạc không dây có tốt cho pin smartphone bằng sạc có dây?
Thực tế hiện nay sạc có dây vẫn tốt hơn. Sạc không dây là tính năng hấp dẫn người dùng khi bạn có thể nạp pin cho smartphone mà không cần cắm cáp rườm rà. Mọi việc cần làm chỉ là đặt thiết bị lên đế sạc.
Tuy nhiên, hiện đại thường ‘hại điện’ và điều này đúng với sạc không dây. Hoạt động bằng cơ chế cảm ứng từ nên sạc không dây cho hiệu suất không cao bằng, tốc độ sạc thường không nhanh bằng sạc có dây. Ngoài ra, sạc không dây cũng khiến smartphone dễ nóng hơn, chính việc này không có lợi cho pin và việc sạc pin.
Khi lâu ngày không dùng smartphone, bảo quản thế nào cho tốt?
Nếu để pin xuống gần mức 0%, một số cell pin có thể mất khả năng hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến smartphone của bạn sau những ngày dài không dùng có thể không thể hoạt động trở lại, dù cắm sạc. Ngược lại, nếu sạc đầy trước khi bảo quản có thể khiến pin giảm công suất, tuổi thọ pin bị giảm.
Pin Lithium-ion sẽ ổn định nhất khi dung lượng ở mức 40-70%. Đó là lý do với một chiếc smartphone mới mua, khi bạn bật lên sẽ thấy dung lượng pin ở khoảng 50 – 60%, chứ không phải đầy 100%.
Trong thời gian dài không sử dụng điện thoại, người dùng nên sạc pin khoảng 50% rồi mới tắt máy và cất trữ. Tháo pin khỏi máy nếu có thể và để nơi khô thoáng, tránh xa nguồn nhiệt. Sau khoảng 6 tháng nên kiểm tra lại và sạc để giữ máy ở mức 50% trước khi bảo quản tiếp.
Tuổi thọ pin có giảm theo thời gian dùng không?
Bạn không thể làm tăng tuổi thọ pin, nó sẽ bị kém đi theo thời gian sử dụng. Pin Lithiumm-ion sử dụng trên smartphone ngày nay được thiết kế để đáp ứng một số lượng chu kỳ sạc nhất định.
Bạn có thể sử dụng hết 75% pin trong một ngày, sau đó sạc đầy qua đêm. Đến ngày hôm sau sử dụng tiếp 25% pin, tức là sau hai ngày bạn đã hoàn thành một chu kỳ sạc. Tuổi thọ của pin được tính theo chu kỳ sạc và thông thường qua 300 đến 500 chu kỳ sạc thì pin còn 70% so với công suất ban đầu.
Theo: Số Hóa